Gà bị bệnh đậu thường thể hiện dưới hai dạng, dạng ngoài da (dạng khô), mụn đậu mọc nhiều ở phần da không có lông như mào, mép, quanh mắt, chân… đôi khi cả ở hậu môn và phần da bên trong cánh. Các mụn này lúc đầu sưng tấy, màu hồng nhạt hoặc trắng trong, sau đó khô dần đóng thành vẩy và bong ra. Ở dạng này gà vẫn ăn uống bình thường, nếu chữa khỏi gà lại tiếp tục phát triển.
Dạng niêm mạc (dạng ướt), bắt đầu là miệng, họng, thanh quản viêm. Các vết viêm loang dần phồng lên thành các nốt màu hồng, chuyển dần sang tím sẫm dày lên thành các màng giả trong khoang miệng và họng. Gà thở và ăn uống khó, bỏ ăn, gầy yếu dần và chết. Cũng có khi gà chết đột ngột do mụn đậu che lấp cuống thở.
Nhiều khi gà bị cả hai thể kết hợp, bệnh tiến triển nhanh hơn và chết dễ hơn.
Bệnh đậu gà được phòng bằng chủng vắc xin. Vắc xin phòng bệnh đậu gà được đóng trong lọ kín và luôn luôn được bảo quản ở nhiệt độ thấp.
Cách chủng: Chấm kim vào lọ vắc xin (đã pha) xong đâm xuyên qua màng cánh (nơi không có lông). Tốt nhất là dùng đoạn chỉ khâu dài 2cm luồn qua lỗ kim khâu vá thủ công, nhúng đít kim và đoạn chỉ vào lọ vắc xin, xuyên kim qua màng cánh theo chiều từ trên xuống dưới sao cho vắc xin ngấm vào da qua vết thương không rơi xuống đất là được.
Sau khi chủng đậu 7 ngày phải kiểm tra, nếu có vết đậu mọc là tốt, nếu không thấy phải chủng lại.